Sáng 20/4, xe ô tô được đi trên tuyến cao tốc Vân Phong – Nha Trang (qua Khánh Hòa). Ngày đầu lượng xe thưa thớt.

Đi trên đường mới, anh Trần Văn Dũng (ở TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, tài xế xe tải đi các tỉnh phía Bắc) cho biết: “Tuyến cao tốc vào hoạt động sẽ giúp tài xế rút ngắn thời gian di chuyển. Hôm nay là ngày đầu, đi trên tuyến đường rất đẹp, thoáng đãng. Chạy xe từ Vạn Giã về Nha Trang chỉ hết hơn một tiếng đồng hồ, bình thường chạy theo QL1 phải mất thời gian gần gấp đôi”.
Theo phương án được phê duyệt, xe được phép lưu thông trên đoạn cao tốc sẽ ra vào tại các nút giao Vạn Giã (lý trình khoảng Km 299+812, kết nối liên thông với quốc lộ 1), nút giao QL26 tại Km332+100 (kết nối liên thông với QL26), nút giao QL27C (lý trình khoảng Km368+350) và nhập vào cao tốc Nha Trang – Cam Lâm đang khai thác.

Theo quy định, các phương tiện không được lưu thông trên cao tốc Vân Phong – Nha Trang, gồm: Người đi bộ, xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô và máy kéo. xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 90km/h (ngoại trừ người, phương tiện, thiết bị phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc).

Theo Công ty TNHH Quản lý khai thác đường cao tốc Nha Trang – Cam Lâm, tính từ 0h đến 10h45 (ngày 20/4), lưu lượng xe ra, vào trạm thu phí Km5+783 (nằm cuối tuyến Vân Phong – Nha Trang kết nối tuyến Nha Trang – Cam Lâm) là 1.167 lượt (trong đó ra 569 lượt, vào 598 lượt).
Dự án cao tốc thành phần Vân Phong – Nha Trang có tổng chiều dài hơn 83km. Điểm đầu tại Km285, kết nối đường dẫn cửa phía nam hầm Cổ Mã (thuộc địa phận huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa). Điểm cuối tại Km368, kết nối điểm đầu dự án thành phần Nha Trang – Cam Lâm (thuộc địa phận huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa).
Dự án đi qua địa phận 4 huyện, thị xã là Vạn Ninh, thị xã Ninh Hòa, Diên Khánh và Khánh Vĩnh của tỉnh Khánh Hoà. Tổng mức đầu tư dự án hơn 11.800 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước.
Nguồn: Báo Giao thông