Sau 5 năm kể từ khi áp dụng chính sách hỗ trợ chi phí, sản lượng hàng container qua cảng biển Hà Tĩnh không những không tăng như kỳ vọng mà còn giảm mạnh.
Hàng container giảm mạnh
Trao đổi với Báo Xây dựng, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty CP Cảng quốc tế Lào – Việt cho biết, thời gian gần đây tuyến vận tải container nội địa qua cảng có dấu hiệu giảm cả về tần suất và sản lượng.

“Trước đây có tháng có 2 – 3 chuyến tàu container, nay chỉ còn khoảng 2 chuyến/tháng, thậm chí có tháng không có chuyến nào. Gần nhất, một chuyến tàu container qua cảng chỉ bốc xếp khoảng 12 TEU”, ông Tuấn nói.
Theo ông, lượng hàng qua khu vực chủ yếu vẫn là hàng rời, bao kiện – kể cả hàng từ phía Lào. Trong khi đó, hàng container vẫn rất hạn chế. Các doanh nghiệp miền Trung chủ yếu sản xuất hàng tổng hợp và hàng rời, không có nhu cầu vận chuyển bằng container đủ lớn để hình thành chân hàng ổn định cho tuyến tàu.
Ông Tuấn cho biết, doanh nghiệp tại khu vực Hà Tĩnh phần lớn là doanh nghiệp nhỏ, mỗi ngày phát sinh 1 – 2 container hàng lẻ. Thay vì chờ gom hàng cả tuần hoặc cả tháng để có chuyến tàu container, họ thường lựa chọn phương án thuê xe tải đưa hàng ra các cảng lớn như Hải Phòng, Đà Nẵng – nơi có nhiều chuyến tàu và thời gian giao hàng linh hoạt hơn.
“Các doanh nghiệp thường ký hợp đồng vận chuyển cả năm ngay từ đầu, nên việc thay đổi phương thức vận chuyển không dễ. Họ sẽ cân nhắc phương án nào có lợi nhất, tiết kiệm thời gian và chi phí hơn”, ông Tuấn lý giải.
Thiếu chân hàng, hỗ trợ từ địa phương chưa đủ sức bật
Ông Nguyễn Đức Tùng, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh chia sẻ, tỉnh đã có nghị quyết của HĐND về việc chi ngân sách hỗ trợ mở tuyến tàu container nhằm lan tỏa hiệu ứng đầu tư vào khu vực. Tuy nhiên, ông Tùng cho rằng: “Vấn đề mấu chốt vẫn là chân hàng. Nếu không có nguồn hàng ổn định, tuyến vận tải container sẽ khó hoạt động hiệu quả.”
Các chủ hàng tại miền Trung phần lớn không có nhu cầu xuất khẩu bằng container với số lượng đủ lớn. Do đó, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất hàng hóa theo hướng container hóa cần thời gian và sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính sách.
Mặc dù hàng container giảm, nhưng theo ông Tùng, sản lượng hàng rời qua cảng Lào – Việt năm 2024 lại tăng trưởng rõ rệt.
“Nếu trước đây cảng chỉ đạt 2,5 – 3 triệu tấn/năm thì năm 2024 đã vượt 5 triệu tấn. Bến số 3 cũng đã được đưa vào khai thác, luồng lạch cho phép tàu tới 60.000 DWT giảm tải ra vào, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất nhập khẩu hàng hóa”, ông Tùng thông tin.
Tại Dự thảo Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Hà Tĩnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 do Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam trình Bộ Xây dựng, dự kiến đến năm 2030 sản lượng hàng container qua cảng Hà Tĩnh sẽ đạt 0,1 – 0,14 triệu TEU, hàng tổng hợp đạt từ 43 – 79 triệu tấn.
Theo quy hoạch, cảng Vũng Áng sẽ có 3 cầu cảng phục vụ hàng tổng hợp và container với tổng chiều dài 680,5m, có thể tiếp nhận tàu tổng hợp đến 70.000 tấn, tàu container đến 4.000 TEU, đáp ứng nhu cầu thông qua từ 3,3 – 5,3 triệu tấn hàng/năm.
Nguồn: Báo Xây dựng